Bằng Lăng đứng dưới hiên bưu điện chờ cơn mưa tạnh. Sài Gòn vào mùa này thường có những cơn mưa bất chợt, mưa hối hả, đột ngột nhưng tạnh cũng rất mau.
- Ê, nhỏ !
Bằng Lăng quay lại thì cũng vừa vặn lãnh một cái “cốc” vào đầu. Quỳnh Anh cười hích hích.
- Hết đường chối rồi nghe nhỏ! Chờ ai ? Khai thiệt ta sẽ “khoan hồng”.
Bằng Lăng đưa tay xoa xoa lên chỗ bị đau.
- Tao chờ... mưa tạnh.
- Ðừng có xạo!
- Xạo mày làm quái gì.
- Không lẽ ở nhà ra đây để đụt mưa?
- Tao đi bỏ thư.
- Bỏ thư? Bộ mày hồi âm cho cái anh chàng khỉ gió đó à ?
- Mày nói ai vậy?
- Ðừng có giả vờ, không phải cái anh chàng “lôm côm” đó thì còn ai nữa?
Bằng Lăng đổ quạu:
- Trông mặt mũi mày cũng... sáng sủa mà sao hay đặt điều chi vậy?
Quỳnh Anh cười hích hích.
- Biết ngay mà!
- Biết cái gì?
- Nhìn “điệu bộ” của mày là tao biết ngay, quả thật y chang. Chờ thì cứ bảo là chờ, còn bày đặt lòng vòng. Tao đi guốc trong bụng mày đó nhỏ.
Bằng Lăng nghe tức cành hông nhưng cô bé chỉ biết tức để mà... tức. Quỳnh Anh được trớn.
- Ðụt mưa mà đứng khép nép, e lệ. Xí...!
Bằng Lăng không muốn đôi chối một chuyện lãng nhách như vậy nên lẳng lặng đứng nhìn mưa. Mưa rơi trắng xóa trên những cành me, mưa lanh canh trên mái ngói, mưa rửa sạch bụi bặm trên lá hoa.
- Nè, nhỏ.
Vẫn cái giọng đáng ghét của Quỳnh Anh, Bằng Lăng quyết không thèm nhìn cái bản mặt của nó.
- Mày đi bỏ thư thực à?
- Ừ.
- Thư đâu ?
- Bỏ rồi, ở trong thùng.
- Xạo, thư của mày kìa!
Trời đất! Cái anh chàng khỉ gió đó lại lù lù xuất hiện không biết anh ta ở dưới đất chun lên hay từ trên trời rơi xuống. Bằng Lăng nghe điếng người. Lại cái giọng “chết tiệt” của Quỳnh Anh.
- Thôi tao về, chúc mày đi “bỏ thư” vui vẻ.
Quỳnh Anh v��a đi vừa cười hích hích, làm như được đi dưới mưa là một điều sung sướng lắm. Bằng Lăng cố kềm chế để bớt run, mặc dầu trong lòng cô bé như có một tảng đá ập vào. Bằng Lăng tự nhủ, can cớ gì mà sợ, mình phải tỏ ra “bản lãnh” để coi thử anh chàng giở trò gì cho biết. Bằng Lăng giả vờ như chẳng hề hay biết có anh chàng đang đi về phía mình, mắt cô bé mở tròn nhìn những hạt mưa đan chéo trên tàn me.
- Chào nhỏ.
- Dạ.
Bằng Lăng nghe giọng mình lí nhí trong cổ, anh chàng nhướng đôi mắt vốn đã cận thị:
- Trời đất! Làm sao Bằng Lăng ướt hết thế này.
Bằng Lăng nghe lòng tưng tức:
- Mưa ở ngoài kia, tui đứng trong này làm sao mà ướt? Anh không thấy thì thôi...
- Thấy nhỏ run anh tưởng là bị ướt. Cho anh xin lỗi.
- Ai bảo với anh là tôi run?
- Có ai bảo đâu, điều này thì anh... thấy.
- Mưa gió dĩ nhiên phải lạnh, lạnh thì người ta run, có gì lạ đâu mà nói.
Anh chàng đưa tay vuốt tóc.
- Thì chẳng qua anh thấy sao nói vậy, nhỏ tức làm gì cho mệt.
Bằng Lăng nghĩ bụng, ngày này đúng là cái ngày xúi quấy, gặp toàn những chuyện đâu đâu chưa hết bực vì nhỏ Quỳnh Anh thì đụng phải cái anh chàng khỉ gió này. Bằng Lăng nổi cáu:
- Tui tức rồi sao? Sao anh nói chuyện toàn là tưởng tượng không vậy?
- Nhỏ không tức thì thôi, có chuyện gì đâu mà “ầm ĩ”.
Bằng Lăng thấy mình cũng hơi... vô lý, nhưng dù sao thì cũng tại sự xuất hiện không đúng lúc của anh chàng để Quỳnh Anh bỏ đi với lòng đầy nghi vấn. Bằng Lăng biết rồi thế nào Quỳnh Anh cũng sẽ gây lắm chuyện phiền phức cho mình.
Giọng cô bé đầy ấm ức:
- Anh có biết anh vừa gây rắc rối cho tui hay không?
Anh chàng chưng hửng.
- Làm gì có cái chuyện kỳ cục vậy?
Bằng Lăng ôm chiếc cặp vào ngực, mắt nhìn lên cành me.
- Anh đấy! Anh gieo gió tất có ngày gặp bão.
- Eo ơi! Bằng Lăng nói cái gì ngộ vậy?
Rồi anh chàng phân bua.
- Nói thiệt, nếu anh mà đi gieo... gieo cái gì Bằng Lăng nói đó thì cho Thiên lôi đánh anh gãy cổ, u đầu.
- Gãy cổ chết queo rồi còn thêm u đầu làm chi cho rắc rối?
- Nhưng...
- Anh đúng là người lẻo mép.
Anh chàng nở nụ cười tươi rói.
- Cám ơn nhỏ.
Bằng Lăng nghe trong ruột nhồn nhột như có kiến bò.
- Tự dưng lại đi cám ơn người ta, sao anh vô duyên vậy?
Anh chàng gãi đầu.
- Tại Bằng Lăng không biết, ai cũng chê anh là đứa lù đù, chỉ có Bằng Lăng là khen anh lẻo mép.
Bằng Lăng không nhịn cười được nữa.
- Lẻo mép mà anh bảo là khen, anh đúng là đứa... lù đù.
- Ðối với anh những điều đó đâu có gì quan trọng.
Anh chàng đứng thừ ra trông thật tội nghiệp. Mưa nhỏ dần, Bằng Lăng dợm bước đi, anh chàng đưa mắt nhìn mung lung vào bầu trời đầy gió.
- Nhỏ biết không? Bằng Lăng là một loài hoa màu tím, khi ngắt xuống nó mau héo vô cùng.
- Ðiều anh nói thì có liên quan gì đến tui?
Bằng Lăng hấp tấp bước đi như chạy. Người con trai đứng lại ngơ ngác nhìn theo.
oOo
Bằng Lăng nghe tiếng ai gọi mình trong quán nước, vừa dừng xe lại Bằng Lăng thoáng thấy Quỳnh Anh, cô bé định đạp xe chạy thẳng nhưng không kịp.
- Vào đây, nhỏ.
Bằng Lăng dựng xe, nghĩ bụng, quái thật sao đi đâu cũng gặp “nhỏ chằn” này. Quỳnh Anh giục:
- Vào đây uống nước.
- Tao không khát.
- Không uống thì ngồi nhìn... tao uống.
Quỳnh Anh cầm chiếc muỗng khuấy khuấy ly nước mía.
- Mày sao vậy, bịnh à?
- Ai bảo mày tao bịnh?
- Nhìn qua thì biết, cần gì ai nói. Trông mặt mũi lờ đờ như gà nuốt dây thun.
- Mày định nói gì vậy? Tánh tao chúa ghét ba cái chuyện “lôm côm”.
Quỳnh Anh lại cười hích hích, cái giọng cười chẳng có chút gì con gái.
- Biết đâu có những chuyện “lôm côm” mà suốt một đời không quên nổi.
- Với tao thì mấy cái chuyện đó tao quên dễ ợt.
Quỳnh Anh nhìn Bằng Lăng chằm chặp.
- Bây giờ tao hỏi “nghiêm túc”, mối tình của mày đã đến đâu rồi?
- “Mối tình!” Mày nói cái gì mà ghê gớm thế?
- Nếu không gọi vậy thì kêu bằng cái quái gì?
- Theo mày, tình yêu là thế nào? Chẳng lẽ gặp nhau, nói năm ba câu thì gọi là tình yêu sao?
- Có thể lắm chứ, nếu mày bị “tiếng sét tình yêu” đánh vào đầu.
- Mày đúng là đứa... lù đù không hiểu chi cả.
Bằng Lăng dí dí ngón tay xuống mặt bàn.
- Mày đã bị “tiếng sét tình yêu” chưa mà coi bộ kinh nghiệm vậy?
Quỳnh Anh đáp gọn lỏn.
- Chưa!
Bằng Lăng cười nắc nẻ. Quỳnh Anh hỏi.
- Mày cười cái gì?
- Tao tưởng... Thế mà cũng bày đặt lên giọng thầy đời, mày đúng là...
- Là gì?
- Là đứa... lù đù.
oOo
Trên đường đi học về, Bằng Lăng đạp xe chầm chậm dưới hàng me. Sau những cơn mưa cây lá như khoác lên mình màu áo mới. Bầu trời cao hơn và ánh nắng cũng đã bắt đầu dịu lại. Khi ngang qua bưu điện, Bằng Lăng nhìn vào mái hiên, chỗ ngày nào mình đứng trú mưa. Phố xá vẫn đông, thiên hạ vẫn tấp nập như mọi buổi chiều, Bằng Lăng cảm thấy nhơ nhớ một cái gì không rõ lắm. Một cái gì gần gũi nhưng đã xa. Mong manh như một nỗi buồn.