Vào hè. Những cơn mưa rào lướt nhanh để lại trong mỗi người nỗi khát khao tiết thu mát mẻ, tiếc nhớ cả những ngày đông rét đến xe lòng. Hà Nội rực đỏ hoa học trò, tím ngắt hoa chung thuỷ. Với tôi hoa bằng lăng luôn như một người con gái mỏi mòn đợi chờ người yêu để rồi tàn úa trong nỗi thất vọng khôn cùng. Nhưng giờ đây màu tím sẫm buồn ấy lại gợi cho tôi nhớ tới một loại hoa khác, hoa Tử Đinh Hương.
Vun vút qua bao làng mạc trù phú với những căn nhà gỗ đơn sơ, những rừng bạch dương ngút ngàn, những cánh đồng hoa dại rực rỡ, con tàu đưa chúng tôi từ Matxcơva ồn ào náo nhiệt tới Minxcơ nhỏ bé, êm đềm, nơi sẽ có những kỷ niệm không thể quên trong quãng đời sinh viên. Ngỡ ngàng xuống sân ga, tôi chợt bàng hoàng khi thấy người phụ nữ đón chúng tôi hôm ấy. Khoảng 32, 33 tuổi, cô có khuôn mặt đẹp với những đường nét kiêu kỳ, hấp dẫn, huyền bí của nàng Xêhêrat trong "nghìn lẻ một đêm" tôi say mê từ tuổi thơ. Cô có đôi mắt to xanh thẳm như biển cả, gợi nét u buồn của buổi hoàng hôn. Cô mỉm cười rồi dẫn chúng tôi về ốp qua những con đường nhỏ sum xuê mận, táo, lê, con đường thần tiên như sau này chúng tôi vẫn gọi. Vị ngọt lịm của những quả chín bên đường tan trên đầu lưỡi cũng không thể làm tôi quên nét u buồn của buổi hoàng hôn trong đôi mắt thoáng gặp ấy. Rồi tôi biết cô tên An la Phêđrốpna - giáo viên văn học Nga. Bên cạnh nỗi háo hức chờ mong năm học mới mẻ, bổ ích với mỗi sinh viên thực tập chúng tôi là nỗi háo hức mong chờ tiết văn đầu tiên. Cô vào lớp trong bộ váy xám kỳ lạ. Phải chăng đó là màu tro hoa hồng mà Côlin Macalâu đã tô điểm cho bộ váy Mecghi mặc trong đêm dạ hội, khi lần đầu tiên cha Ranphơ nhận ra Mecghi bé bỏng buồn thương của cha đã trở thành một thiếu nữ diễm kiều? Tiết văn đầu tiên trôi qua lúc nào tôi cũng không hay. Chỉ còn lại trong tôi những vần thơ dữ dội của một mối tình đơn phương, vô vọng.
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không muốn em phải bận lòng thêm nữa
Và hồn em lại gợn nét u hoài.
Tôi ngỡ ngàng trước mắt tôi là một phụ nữ khác, một phụ nữ yêu đời, yêu người mãnh liệt. Biển buồn u uất nét hoàng hôn bỗng trở nên biển êm đềm của một buổi sáng trong lành. Tiết học kết thúc hoàng hôn lại trở về bên biển. Đôi lúc tôi tự hỏi khi nào cô sống thật với mình, trên bục giảng với những tình cảm cao thượng của những con người cao thượng hay trong đời thường với những lo toan vặt vãnh, bởi hàng ngày cô rất ít tiếp xúc với bạn bè và học trò xung quanh, dù chúng tôi rất yêu và ngưỡng mộ cô.
Cho đến một hôm, trên ti vi hôm trước có truyền hình trực tiếp có truyền hình trực tiếp trận chung kết bóng đá Châu Âu giữa đội Tây Ban Nha và đội Pháp, đội bóng tôi yêu thích nhất. Nỗi ham mê bóng đã lấn át tất cả, bất chấp bài vở ngày mai. Mê li những cú sút tung trời của Palatini, vui sướng tột cùng vì đội tuyển mình hằng ngưỡng mộ chiến thắng, tôi êm đềm đi vào giấc mơ với hình ảnh siêu cầu thủ đội Pháp với chiếc cúp rực sáng trên tay được tung lên trời trong tiếng reo hò vang dội. Sáng hôm sau, (thật bất hạnh cho tôi) tiết văn, tôi bị xách cổ lên bảng. Ngoài trời tuyết rơi mà tôi toát hết mồ hôi.
- Em hãy kể tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Lecmantốp.
Lạy chúa tôi. Bắt tôi phân tích một tác phẩm, một bài thơ, một nhân vật còn được, đằng này về cuộc đời, sự nghiệp nhà thơ thì tôi biết nói sao (đúng hơn là không thể nói gì).
- Thưa cô, Lecmantốp là một nhà thơ Nga nổi tiếng. ông viết nhiều bài thơ rất hay, đặc biệt là bài "cánh buồm trắng cô đơn" mà chúng em rất thích. Em đọc cô nghe chứ ạ?
- Không cần. Tôi muốn em kể về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ.
Biết kể gì nữa nhỉ? Thế là tóm tắt quá rồi còn gì. Cô muốn kéo dài làm gì nữa nhỉ?
- Thưa cô...
- Sao, em không học bài?
- Thưa cô...
- Thưa gì thưa mãi thế! Tôi hỏi em về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ mà em cứ luyên thuyên ở đâu. Thế là sao?
Tôi chờ đợi những lời nói giận dữ hơn nữa bởi tôi hiểu mình có lỗi. Nhưng tôi lặng người. Cô đang giận giữ xé quyển vở văn tôi hằng gìn giữ.
- Về chỗ.
Tê tái tôi lê bước về chỗ, tôi lặng lẽ khóc. Giá như cô cho tôi điểm kém thì tôi sẽ vui lòng nhận vì đó là sự trả giá xứng đáng cho trận đấu hôm qua. Nhưng cô lại xé vở của tôi, xé quyển vở tôi cặm cụi ghi chép hàng ngày những giờ giảng lúc ngọt ngào, dịu ngọt, lúc chua xót, day dứt, xé đi chính niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc cô từng chia xẻ với chúng tôi, lại là chuyện hoàn toàn khác. Chưa tiết văn nào thê thảm thế, chưa lúc nào cay đắng thế.
Thu xao xuyến mang sắc vàng lặng lẽ ra đi. Tuyết rơi trắng trời. Tuyết tan. Xuân ngắn ngủi thoáng qua báo hè sắp tới. Hè về lộng lẫy trong sắc đỏ hoa tuy líp thắm trời, trong sắc vàng hoa bồ công anh khắp nơi. Chớp mắt, thế là năm học trôi qua. Dù muốn lang thang cho bõ những ngày đông lạnh cóng ru rú ở nhà, cho khắp cùng thành phố để còn chia xa, chúng tôi cũng phải lao đầu vào học thi cho tốt để giữ mãi ấn tượng tốt đẹp cho thầy cô và cho bản thân về những ngày ở thành phố xinh đẹp này. Riêng tôi chuẩn bị môn văn rất kỹ. Tôi muốn chứng minh với cô, tôi có thể đạt được điểm 5 văn dễ dàng thế nào. Ngày thi văn tới, tôi rủ lũ bạn đi thật sớm. Chúng tôi vào thi đầu tiên. Tôi thật may bắt được câu về tiểu thuyết "đất vỡ hoang" tôi chuẩn bị rất kỹ. Với cái nhìn kiêu hãnh, tôi trả lời trôi chảy, lưu loát.
- Em cho biết tác phẩm "đất vỡ hoang" ra mắt bạn đọc năm nào và tập hai năm nào?
- Thưa cô, tập 1 năm 1932 còn tập 2 năm 1959 vì nhà của Sôlôkhốp cùng những tài liệu ghi chép đã bị bom Đức bắn cháy.
- Vậy chúng cách nhau bao năm?
Giọng nói lạnh lùng, chua xót, ánh mắt u buồn làm tôi luống cuống. Bao năm nhỉ? Tôi nói đại:
- 35 năm, thưa cô.
- Bao nhiêu?
- 34 năm ạ.
Tôi càng luống cuống hơn. Biển trong mắt cô dữ dội. Giận dữ, cô nói:
- Chưa chuẩn bị kỹ bài, 3 điểm.
Cô vừa nói gì thế? Tôi lặng người. Tôi đã trả lời tất cả, chỉ nhầm lẫn một chút vì đã quá luống cuống trước đôi mắt buồn bã, trước giọng nói lạnh lùng ấy. Sao cô khắc nghiệt thế. Đây là thi văn, đâu phải thi toán? Uất ức, tôi lao ra khỏi phòng thi, trốn chạy khỏi bao câu hỏi thăm ân cần của bạn bè. Lang thang cả ngày trên đường phố rực nắng, giữa những con người nhân hậu nhưng sao tôi thấy mình cô đơn, bất hạnh đến thế! Lần đầu tiên tôi ăn chiếc kem đắng ngắt vị chua xót, buồn bã.
Ngày chia tay Minxcơ thân yêu, chúng tôi rất buồn. Biết bao giờ trở lại nơi đây, nơi chúng tôi đã cùng nhau chia xẻ mọi niềm vui, nỗi buồn, cùng nhau ngóng chờ từng lá thư nhà, cùng nhau khóc rưng rức vì nhớ quê hương, nhớ cha mẹ, người yêu trong những đêm tuyết trắng trời. Chia tay với những người bạn Nga cùng phòng, tôi lặng lẽ lên tàu, không chia tay Anla như bao bạn khác. Tôi muốn quên đi người phụ nữ có đôi mắt u buồn của buổi hoàng hôn, có giọng nói ngọt ngào du dương như nàng tiên cá ấy.
Trở về quê hương, chúng tôi lại náo nức bước vào năm học mới.
- Ly ơi, có thư.
Tôi ngạc nhiên. Ai không gửi về nhà mà lại gửi tới trường cho mình thế? Cầm thư trên tay, tôi bỗng run lên. Cái tên Anla gợi nhớ bao kỷ niệm buồn. Cắm cúi đọc thư. Tôi quên cả tiết học đã bắt đầu.
Minxcơ 28/8
Ly thân yêu của cô!
Chắc em sẽ ngạc nhiên khi nhận được thư này? Ở đây mùa thu đã về. Thu vàng g��i cho Puskin những câu thơ tình tha thiết, gợi cho mỗi người nhớ đến những kỷ niệm đẹp trong đời. Thu năm nay gợi cô nhớ tới em, bởi cô biết em giận cô nhiều. Cô viết thư này cho em, không phải để thanh minh mà để em hiểu cô thật sự như giữa những người phụ nữ với nhau và tha thứ cho cô nếu em có thể. Cô sinh ra, lớn lên ở Minxcơ. Cha người Nga, mẹ người Ý. Từ bé cô đã nổi tiếng xinh đẹp khác thường. Lớn lên, kiêu hãnh về sắc đẹp của mình, cô tự vẽ ra một người yêu, một người bạn đời lý tưởng cho suốt cuộc đời mình.
Bao chàng trai tìm đến, cô đều từ chối. So với chàng trai của cô, họ thật một trời một vực. Một lần lớp cô tổ chức đi xem vở kịch "Rômeô và Juyliet". Và em biết không, chàng xuất hiện bất ngờ, đột ngột như tia chớp giữa sông, xé tan sự kiêu hãnh luôn bao phủ quanh cô. Chàng xuất hiện rực rỡ trong chiếc áo choàng đỏ thắm của những quý tộc thời xưa với những đường kiếm bao người nể phục. Chàng có khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, có trái tim trong sáng, mãnh liệt, giọng nói ngọt ngào với bao lời thủ thỉ, yêu thương làm rung động trái tim thiếu nữ ngây thơ trong trắng. Chàng vừa lên tiếng: Hỡi nàng tiên lộng lẫy, hãy nói nữa đi! Đêm nay trên đầu ta, nàng tỏa ánh hào quang như sứ giả mặt trời có cánh đang cưỡi những áng mây lững lờ nhẹ lướt trên không trung, khiến kẻ trần tục phải ngước đôi mắt thịt mà chiêm ngưỡng! Những lời yêu thương nồng cháy ấy, cô cứ ngỡ chàng dành cho cô. Đêm ấy cô mơ tới chàng. Từ đó, hình bóng chàng không thể phai nhạt trong cô. Những lời thầm thì yêu đương của chàng cứ văng vẳng bên tai cô mãi. Trong buổi sinh nhật một cô bạn cùng lớp, cô đã gặp chàng, ánh mắt gặp nhau. Và cô nghĩ không gì có thể làm chàng và cô xa nhau được nữa, và đây là tình yêu của Rômêô và Juyliet ở Minxcow ngày nay chứ không phải ở Vơnizơ cổ kính thời ấy. Cô và anh nhanh chóng yêu nhau say đắm, mấy tháng sau thì cưới. Những tưởng hạnh phúc bền lâu. Ai biết đâu, ba năm sau đã chia tay nhau. Chồng cô yêu nghệ thuật, yêu sân khấu, yêu những cô gái mơ mơ thực thực trong vở diễn nhiều hơn. Anh ấy nói tình yêu trên sân khấu đẹp hơn nhiều, mơ mộng hơn nhiều tình yêu đời thường với bao lo toan vặt vãnh của cuộc sống gia đình. Anh ấy bỏ lên Matxcơva để tiếp tục sự nghiệp của mình, sự nghiệp anh ấy yêu hơn cả, khi cô có thai ba tháng. Đau khổ, tuyệt vọng, bao đêm cô đã phải uống thuốc ngủ quá liều cho nhanh chóng đi vào mộng mị, quên đi tình yêu đầu đớn đau, quên đi cảm giác vắng bóng chàng trong ngôi nhà có bao kỷ niệm êm đềm mỗi khi đêm về. Hậu quả là bé trai cô sinh ra bị thần kinh vì cô uống thuốc quá nhiều. Đau khổ, day dứt, cô tưởng mình sẽ chết vì tuyệt vọng. Nhưng cô đã lấy hết nghị lực để sống với hy vọng mong manh là em sẽ khỏi bệnh. Bao đêm dài không ngủ, cô đau đớn với ý nghĩ mình đã làm khổ một con người, mà con người ấy chính là con mình, đứa con duy nhất của tình yêu duy nhất. Hôm cô xé vở em chính là hôm ở nhà đêm trước em bị lên cơn nặng và cô phải đưa em vào viện. Cô đã cư sử không phải với em. Nhưng em là một phụ nữ, và em sẽ là một người mẹ, chắc em sẽ hiểu, sẽ thông cảm cho cô. Hôm thi văn nữa, bữa trước là chủ nhật, cô tới bệnh viện đón em về chơi một ngày cho đỡ nhớ con. Nhìn nó đỡ, hy vọng trở lại. Nhưng ngay chiều ấy em lại lên cơn, đạp vỡ tivi, xé tan ảnh cưới và đã tát cô khi cô giữ tay em lại. Cái tát của đứa con mình đứt ruột đẻ ra, đứa con không bình thường, bị thần kinh, lỗi tại chính mình, người sinh ra nó hằn lên mặt cô mấy hôm liền.
Em biết không, khi hè tới một người Nga thường hái cho mình một nhành hoa. Nếu họ tìm thấy một bông Tử Đinh Hương năm cánh thì năm đó họ sẽ hạnh phúc. Mỗi mùa Tử Đinh Hương nở, cô lại ra cây trước nhà hái một nhành tìm bông hoa hạnh phúc cho mình, nhưng đều không thấy. Thật buồn, phải không em?
Cô rất mong thư em. Em viết thư trả lời cô chứ?
Chào em.
Anla Phêđrốpna.
Những dòng chữ nhòe dần trước mắt tôi. Tôi không biết mình khóc từ bao giờ.
Có khi nào trên đường đời tấp nập ta vô tình đi lướt qua nhau...
Phải, trên đường đời tấp nập ấy, tôi đã vô tình đi lướt qua một người phụ nữ đau khổ dường ấy, bất hạnh dường ấy mà không hiểu gì, không giúp đỡ gì, không chia xẻ gì dù chỉ là sự cảm thông. Mùa Tử Đinh Hương lại đến. Lạy Chúa! Nếu như trên đời này có Chúa thật thì con xin Người ban cho người phụ nữ xinh đẹp và bất hạnh ấy chút hạnh phúc trong sắc tím của bông Tử Đinh Hương hạnh phúc.